Thế giới Kpop - Trào lưu debut vô tội vạ đang khiến K-Pop dần trở nên bão hòa, kèm theo đó là nhiều hệ lụy đáng buồn.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, K-Pop đã khiến không ít người phải kinh ngạc trước tốc độ phát triển như vũ bão. Được đánh giá là một trong những thị trường âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn, K-Pop đã lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Sự phát triển và thành công của K-Pop đã khiến không ít bạn trẻ tại Hàn Quốc đổ xô đi làm ca sĩ với mong muốn được nổi tiếng. Bởi vậy, thời gian gần đây làng nhạc xứ kim chi đã nhanh chóng bị rơi vào tình trạng quá tải với số lượng ca sĩ, nhóm nhạc ra mắt ngày một đông.
Có lượng mà thiếu chất
Nếu như vài năm trước đây, khán giả phải chờ "dài cổ" để được đón nhận một nhóm nhạc mới thì nay sự việc này lại xảy ra như "cơm bữa". Trung bình mỗi tháng, K-Pop sẽ xuất xưởng một "đàn gà" mới với đủ lứa tuổi. Nghệ sĩ, nhóm nhạc "chào đời" quá nhiều mà phong cách, dòng nhạc lại có hạn. Bởi vậy, dù ra mắt liên tục nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong số họ tạo được hình tượng độc đáo, mới lạ. Số còn lại thì vẫn quanh quẩn theo những hướng đi cũ, khi sexy, khi dễ thương, khi lại quậy phá, cá tính. Chính sự đối lập đó đã khiến K-Pop có phần trở nên nhàm chán, kém thu hút đối với hầu hết khán giả yêu nhạc.
Trong một làng nhạc có quá nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc hoạt động thì tính cạnh tranh cũng vì thế mà tăng lên. Trong môi trường đó, các "ma mới" buộc phải tạo ra nhiều chiêu trò và phương thức PR độc đáo để nhanh chóng nổi tiếng và thu hút sự chú ý. Bởi vậy, thay vì tập trung hết công sức và tiền của vào giọng hát, vũ đạo, chất lượng sản phẩm thì nhiều thần tượng ra mắt thời gian gần đây lại lấy PR làm yếu tố chủ chốt. Thậm chí các vấn đề có ảnh hưởng xấu tới giới trẻ như bạo lực, tình dục cũng được ca sĩ lôi vào bài hát để nhằm câu khách.
Ra mắt vào đầu tháng 7 vừa qua, Bikiny đã nhanh chóng trở thành từ khóa nóng trên khắp các diễn đàn, phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, điều khiến Bikiny nổi tiếng lại không phải giọng hát, dòng nhạc mà bởi màn khoe thân quá táo bạo của các thành viên trong nhóm. Theo đó, trong MV đầu tay Please Accept Me, Bikiny đã không ngần ngại khoe trọn thân hình quyến rũ với trang phục nội y nóng bỏng. Thực tế, Please Accept Me là một ca khúc không ấn tượng, nếu không có màn "khoe thân" trên thì có lẽ MV này sẽ không được nhiều người chú ý đến như vậy.
Bikiny
Ngoài ra, thời gian gần đây, khi nền âm nhạc xứ kim chi bùng nổ dữ dội thì các nhạc sỹ cũng chạy theo thị hiếu khán giả và coi nhẹ phần ca từ. Ngoại trừ các bản ballad thì đa phần các ca khúc K-Pop hiện này đều hướng tới dòng nhạc thị trường, với giai điệu điện tử bắt tai, hợp thời và ca từ sáo rỗng. Cứ nhìn vào những ca khúc như Nu ABO của f(x), Supa Dupa Diva của Dal Shabet, Lovey Dovey của T-Ara… là khán giả có thể thấy ý nghĩa ca từ đang dần bị xem nhẹ trong các ca khúc Hàn Quốc.
Lãng phí tài năng
Thực tế, khá nhiều thần tượng trong số những tân binh ra mắt gần đây tại K-Pop sở hữu chất giọng tốt. Tuy nhiên, trong một làng nhạc đang ngày một "thị trường hóa" như K-Pop thì giọng hát không còn là yếu tố duy nhất quyết định sự thành bại của một ca sĩ. Để có được một chỗ đứng thật vững chắc, họ cần rất nhiều yếu tố như sự hậu thuận từ công ty lớn, PR, vũ đạo, dòng nhạc hợp thời… Chính vì lý do đó mà nhiều ca sĩ, nhóm nhạc phát hành ca khúc tốt với giọng hát ổn nhưng họ vẫn không tạo được tiếng vang, và dần chìm nghỉm tại Hàn Quốc.
Trong năm 2012, K-Pop đã xuất xưởng gần 80 nhóm nhạc thần tượng, nhưng chỉ có khoảng 40 nhóm trong số đó là còn tích cực hoạt động đến ngày hôm nay. Còn lại những cái tên như K-Boys, NewUs, BOB4, LXIA, Ruby… đều đang dần biến mất mà không để lại nhiều dấu ấn.
K-Boys
Ngoài ra, khi số lượng ca sĩ ra mắt quá nhiều và liên tục thì vấn đề đào tạo cũng là một việc đáng lưu tâm. Nếu như những thần tượng thế hệ trước như DBSK, SNSD, Wonder Girls, 2PM… phải mất rất nhiều năm luyện tập gian khổ mới được bước lên sân khấu thì giờ đây các ca sĩ mới chỉ tốn khoảng 2 đến 3 năm làm thực tập sinh. Với quãng thời gian ngắn ngủi như vậy, K-Pop đang khiến không ít người phải băn khoăn về chất lượng của dàn idol thế hệ mới.
Thay đổi thành viên vô tội vạ
K-Pop đang dần biến thành cái "chợ" khi tình trạng thay đổi thành viên tại đây ngày một rối ren. Có lẽ chính sự ra mắt quá ồ ạt của các nhóm nhạc Hàn đã dẫn đến hậu quả trên. Bởi việc ra mắt liên tục nhưng không thu được kết quả đã khiến không ít "ma mới" chán nản, muốn bỏ cuộc để tìm đến những hướng đi riêng như làm diễn viên hay tiếp tục công việc học hành.
Ra mắt vào tháng 2 năm 2012, EXID không tạo được nhiều tiếng vang với MV đầu tay Whoz That Girl. Không những chật vật khoản debut, EXID lại còn thay đổi đội hình bởi sự ra đi của 3 thành viên chỉ sau 3 tháng "lên sàn". Khi nói về vấn đề này, công ty quản lý của EXID, AB Entertainment đã cho biết: "Yuji đã ra mắt trong khi xin bảo lưu kết quả học ở trường, nhưng giờ thì cô quyết định trở lại học tập tại trường. Dami cũng sẽ quyết định học đại học. Còn Haeryung thì đang có kế hoạch trở thành một nữ diễn viên”.
EXID
Thê thảm hơn cả EXID, nhóm nhạc 24 người Leader’S còn phải chứng kiến sự ra đi của phần lớn thành viên sau màn debut không thành công với Please. Hiện giờ Leader'S không còn xuất hiện và đang dần bị lãng quên tại K-Pop. Ngoài ra, các tên tuổi khác như Rainia, Dalmantian, 5doll, Chi Chi… cũng đều rơi vào tình trạng “phiên bản F2” vì thay đổi thành viên.
Việc các nhóm nhạc ra mắt liên tục tại Hàn Quốc cũng không hẳn là vấn đề xấu, bởi nó góp phần làm trẻ hóa và tạo ra thế hệ idol mới cho K-Pop. Tuy nhiên, song song số lượng thì các công ty quản lý cũng cần quan tâm hơn tới chất lượng của các "con cưng" cũng như các sản phẩm âm nhạc. Có như vậy K-Pop mới ngày một phát triển và có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả yêu nhạc.
Tú Ân tổng hợp