Thế giới Kpop - Hiện nay, một drama chỉ đạt mức ratings trung bình khoảng 20% đã được coi là thành công đáng đốt pháo ăn mừng.
Những năm gần đây, ratings của drama Hàn có chiều hướng đi xuống. Từ lâu, phim truyền hình Hàn Quốc đã không còn đạt ngưỡng ratings ngất ngưởng 50-60% như trước đây, mà cao nhất cũng chỉ đến 30-40%.Quyền lực ratings đang là cuộc chạy đua khốc liệt.
Quyền lực Ratings: Mục đích tối thượng
Ratings, tỷ suất người xem thường được công bố sau khi mỗi tập phim kết thúc, là một trong những yếu tố quyết định thành công về thương mại của một bộ phim, vì ratings càng cao thì giá quảng cáo trước giờ chiếu càng đắt. Để đảm bảo tính tương tác với khán giả, drama Hàn có thông lệ vừa quay vừa phát sóng, nên ratings phim cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà sản xuất. Tùy vào mức ratings cao hay thấp, nhà đầu tư có thể quyết định tăng hoặc giảm kinh phí sản xuất phim. Ratings còn có thể quyết định số lượng tập phim. Nếu một bộ phim có độ dài 16 tập gây được hiệu ứng tốt thì việc nhà sản xuất kéo dài đến 20 tập hoặc hơn là chuyện thường.
Phim Iris 2
Ngay cả các giải thưởng cũng có xu hướng thiên vị các bộ phim có ratings cao. Thực tế cho thấy, một phim có ratings trung bình hiếm khi giành được giải thưởng cao nhất trong các lễ trao giải, dù bộ phim ấy được giới chuyên môn đánh giá tốt. Điểm qua các bộ phim giành giải PaekSang cho phim truyền hình hay nhất trong ba năm gần đây là Iris, Secret Garden, The Moon embracing the Sun, ta sẽ thấy đây đều là các phim có ratings rất cao.
Công thức cũng cần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Nếu cứ chiếu theo số liệu mà suy xét thì khán giả có lẽ chỉ cần nhìn vào ratings để đánh giá chất lượng một bộ phim và chọn phim có ratings cao nhất để xem. Tuy nhiên, ta cũng không thể vội vàng kết luận cứ phim nào ratings cao thì phim đó là xuất sắc. Đơn cử như trường hợp Boys over flowers năm 2009, bộ phim này không có kịch bản xuất sắc, thậm chí còn bị chính các khán giả chê là còn nhiều lỗ hổng, nhưng nó vẫn đạt ratings trung bình trên 28%, kết thúc đạt gần 35%. Không có gì khó hiểu vì đây là một phim thần tượng được chuyển thể từ truyện tranh Nhật ăn khách và có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ toàn trai xinh, gái đẹp. Bộ phim May Queen năm ngoái bị chê tơi tả vì kịch bản cường điệu, phi logic nhưng vẫn đạt ratings khá (trung bình khoảng 20%) nhờ sức hút của dàn diễn viên chính và khởi đầu thuận lợi. Tóm lại, kịch bản không phải là yếu tố duy nhất quyết định ratings. Để có ratings cao, một drama cũng cần: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Phim Ngọn gió đông năm ấy
Trước hết, một phim truyền hình nên có một, hoặc một vài diễn viên “hút” khách. Vì ít nhất, các fan hâm mộ của ngôi sao này chắc chắn sẽ theo dõi bộ phim để ủng hộ thần tượng. Kế đến, phim phải có chiến dịch PR thông minh: không tiết lộ quá nhiều thông tin để gây tò mò, nhưng vẫn phải hé lộ những hình ảnh đủ hấp dẫn. Điển hình cho thành công này là That Winter, the Wind blows của cặp sao Song Hye Kyo và Jo In Sung. Hoàn cảnh ra mắt phim cũng rất quan trọng: nếu như bộ phim được phát sóng cùng những đối thủ nhẹ ký thì phim đó có cơ hội tiến xa, còn ngược lại, nếu như bộ phim được phát sóng cùng thời điểm với một “bom tấn” thì nó gần như cầm chắc ratings thấp. Trường hợp hai bộ phim Take care of us, Captain và Wild Romance chỉ đạt mức rating trung bình dưới 10% vì phải cạnh tranh với đối thủ nặng ký The Moon embracing the Sun hồi đầu năm 2012 là ví dụ điển hình.
Việc ratings không còn đạt mức cao như trước đây không có nghĩa là do chất lượng drama Hàn đang đi xuống. Lề lối sinh hoạt của người Hàn Quốc thay đổi, cùng với sự bùng nổ của nhiều chương trình truyền hình khiến drama không còn sức hút mạnh mẽ như trước. Cùng một giờ chiếu, người xem truyền hình không chỉ có lựa chọn xem các drama mà còn có thể xem thể thao, thời trang, hay ca nhạc. Hơn thế, sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ cùng giờ chiếu cũng là nguyên nhân khiến một bộ phim khó bật lên bứt phá, vì sự yêu thích của khán giả thường được chia đều cho nhiều phim cùng giờ chiếu.
Cuộc chiến ngày càng khốc liệt!
Một ví dụ điển hình cho sự cạnh tranh khốc liệt, “trồi lên, sụt xuống”, dẫn đầu rồi hụt hơi… là cuộc chiến ratings giữa ba bộ phim truyền hình chiếu cùng một thời điểm tại Hàn Quốc trong thời quan qua là 7th Grade Civil Servant (Đặc vụ cấp 7), That Winter, the winter blows (Ngọn gió đông năm ấy) vàIris 2, phần tiếp theo của bom tấn Iris hồi năm 2009. Đây là một cuộc cạnh tranh khá quyết liệt vì cả ba bộ phim đều có sức hút riêng với khán giả, và ratings phim này có ảnh hưởng khá lớn đến ratings của hai phim còn lại. Nếu như That Winter, the winter blows có thế mạnh là một melodrama cảm động được chăm chút rất tỉ mỉ với bối cảnh đẹp, diễn viên đẹp, trang phục đẹp thì Iris 2 được thừa hưởng một lượng fan khá lớn từ phần đầu vô cùng ăn khách. Riêng 7th Grade Civil Servant có vẻ yếu thế hơn cả, nhưng đây lại là bộ phim “nhẹ đầu” nhất trong cả ba phim, kết hợp hành động và hài hước.
Phim Đặc vụ cấp 7
Trước khi hai đối thủ That Winter, the winter blows và Iris 2 xuất hiện, 7th Grade Civil Servantđộc chiếm vị trí đầu với ratings khá tốt, thời điểm cao nhất lên đến 17%. Thế nhưng ngay khi hai phim mới “khai chiến” cùng một lúc thì ratings của 7th Grade Civil Servant dần giảm sút. Iris 2 bước lên vị trí đầu tiên nhờ ăn theo thành công của phần 1. Nhưng, Iris 2 hụt hơi sau đó với lượng ratings dần đi xuống. Lý do bởi khán giả cho rằng, phim không có gì mới mẻ so với phần 1. Đây cũng là một bài học cho các nhà làm phim: Dù quảng cáo có rầm rộ đến mấy nhưng kịch bản không thu hút thì bom tấn cũng dễ dàng trở thành… bom xịt.
Và trong khi hai bộ phim đối thủ “tự bắn vào chân mình”, 7th Grade Civil Servant càng ngày càng giảm sức hấp dẫn do kịch bản bị đuối ở chặng sau, đến mức ratings tập cuối vẫn không ngoi lên được hai con số. Iris 2 tuy có sáng sủa hơn chút xíu nhưng vẫn loay hoay mãi ở 10% khiêm tốn thì That Winter, the winter blows, tuy có khởi điểm thua kém hai đối thủ, nhưng đã dần chinh phục khán giả bằng một kịch bản tốt, và từ đó giữ vững vị trí này cho đến khi kết thúc.
Tuấn Vũ tổng hợp